Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

WinWinTeam


Sau khi ra mắt vào trưa ngày 23/10, rất nhanh chóng, siêu phẩm X-Pro3 đến từ Fujifilm đã được chuyên trang nhiếp ảnh Dpreview dành tặng ngay một bài đánh giá nhanh. Sau đây là bài viết đã được WinWin Store lược dịch.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Giới thiệu

Fujifilm X-Pro3 là một máy ảnh không gương lật với cảm biến độ phân giải 26 megapixel, được trang bị ống ngắm quang/điện tử thông minh và có thiết kế mang phong cách của những máy ảnh rangefinder cổ điển.


X-Pro3 là một trong ba thiết bị sử dụng ngàm X đầu tiên của Fujifilm sở hữu cho mình hai tấm plate đỉnh và đáy máy sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu titanium. Nhưng điều làm X-Pro3 khác biệt so với người anh em X-T3 lại đến từ màn hình chính được thiết kế lật úp vào trong và một khung ngắm viewfinder “lai” hoàn toàn mới. X-Pro3 còn được trang bị một màn hình nhỏ, độ phân giải thấp để hiển thị các thông tin cơ bản ở mặt sau.


Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3


Thông số cơ bản:

– Cảm biến APS-C BSI CMOS 26MP.

– Ống ngắm lai quang/điện tử.

– Màn hình chính có khả năng xoay gập 180°.

– Màn hình phụ hiển thị thông tin trực quan.

– Vật liệu titan được sử dụng ở hai tấm plate ở phần phía trên và dưới đáy máy.

– Quay video 4K ở 30fps, 200Mbps.

– 11 chế độ giả lập màu phim, nay được trang bị thêm bộ giả lập “Classic Neg”.


X-Pro3 sẽ được bán ra với mức giá 1799$ cho phiên bản màu đen và phiên bản cao cấp hơn, được phủ một lớp coating cứng màu bạc hoặc đen sẽ có giá 1999$.


Phần 1: Những đổi mới trên Fujifilm X-Pro3


Điểm nổi bật:

– Màn hình chính “ẩn” chỉ thực sự hiệu quả khi chụp ở vị trí ngang thắt lưng.

– Màn hình phụ phía sau mang đến trải nghiệm thú vị hơn là tính ứng dụng thực tế.

– Kính ngắm quang học (OVF) có độ thu phóng cố định.

– Với tấm nền OLED, kính ngắm điện tử (EVF) nay đã có độ tương phản tốt hơn.

– Các tuỳ chọn xử lý hình ảnh mới.


Màn hình chính


Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3


Trang bị tạo nên sự khác biệt của X-Pro3 chính là chiếc màn hình chính được thiết kế đặt quay úp vào mặt lưng của máy. Nó và chiếc màn hình phụ sẽ chịu trách nhiệm hiển thị những cài đặt hoặc là chế độ mô phỏng màu phim đang được sử dụng.


Rất nhiều nhiếp ảnh gia sẽ thấy việc đặt màn hình chính quay úp vào trong như vậy thật ngớ ngẩn, vì họ đã quen với việc chụp ảnh trên một chiếc mirrorless thông qua màn hình LCD. Tuy nhiên, có hai nhóm đối tượng sẽ không xem cảm thấy thích thú với sự đổi mới này. Một là những nhiếp ảnh gia đường phố, họ rất cần những màn hình “lật xuống” như vậy để có thể có những shot quay ngang thắt lưng một cách dễ dàng hơn. Và hai là những nhiếp ảnh gia theo phong cách “truyền thống”, những người đã quen sử dụng viewfinder hoặc đánh giá cao việc sử dụng viewfinder hơn là màn hình LCD.


Điều này, ở một mức độ nào đó, có thể hiểu được. Phiên bản tiền nhiệm X-Pro2 đã trở nên nhạt nhoà khi X-T2 ra mắt . Mẫu X-T3 sau này, thể hiện rất tốt ở cả tính năng chụp ảnh lẫn quay phim. Điều này vô hình chung làm mẫu X-Pro phiên bản tiếp theo này rất khó để có thể định vị đúng tập khách hàng của mình. Và Fujifilm đã quyết định tạo ra sự khác biệt. Bạn muốn một chiếc máy ảnh có thể làm tốt hầu như mọi thứ, bạn có X-T3. Bạn muốn một chiếc máy ảnh không chỉ giống hệt một chiếc rangefinder cổ điển mà còn muốn cách chụp cũng giống nốt? X-Pro3 là sản phẩm bạn đang tìm kiếm đấy.


Màn hình phụ phía sau mang lại cho X-Pro3 một vẻ ngoài giống hệt như một máy ảnh phim truyền thống, ngoài ra nó còn hiển thị thêm các thông số cơ bản khác là ISO và tốc độ màn trập …. Cố gắng này của Fujifilm có thể khiến bạn, hoặc là cực kỳ háo hức, hoặc là hoàn toàn lạnh nhạt, tuy vậy, đây chỉ mới là một phần của câu chuyện.


Màn hình phụ


Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Một màn hình nhỏ hình vuông được đặt ngay giữa mặt sau của X-Pro3 là đặc điểm để nhận dạng mẫu máy này. Nó hiển thị cài đặt hiện tại của máy ảnh hoặc hiển thị phần nhãn tên của bộ giả lập màu phim đang được sử dụng.


Màn hình này hiển thị được 8 màu và có góc nhìn khá hạn chế. Chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng những gì hiển thị trên màn hình này khi đặt nghiêng máy một góc đâu đó 45°. Màn hình có độ phân giải khá thấp: 176×176 mm. Mặc dù đây là một “màn hình nhớ”, nó sẽ chỉ hiển thị những thông số của shot hình trước và tiêu thụ rất ít pin. Màn hình sẽ chuyển về chế độ đơn sắc khi bạn tắt máy và chỉ hiển thị cài đặt phơi sáng được sử dụng lần cuối và mức pin, giúp giảm thêm mức tiêu thụ điện.


Cấu trúc Titanium

Hơi hướng “cổ điển” được Fujifilm áp dụng một cách triệt để trên dòng sản phẩm X-Series của mình, với dòng X100 và X-Pro nói riêng có thiết kế khá giống một số mẫu rangefinder nổi tiếng. Đây là một phần trong rất nhiều nỗ lực để làm cho máy ảnh của hãng, đặc biệt là những mẫu “high-end”, trở thành một những món đồ “trang sức” bên cạnh chức năng chính là một thiết bị chụp ảnh.


Cuối cùng, Fujifilm đã chuyển từ hợp kim magie thường thấy trên các mẫu máy cao cấp của hãng sang titanium ở hai tấm plate trên và dưới của X-Pro3. Sẽ có ba phiên bản màu sắc với một phiên bản được sơn đen và hai phiên bản khác được phủ một lớp coating cao cấp được gọi là “Dura Silver” và “Dura Black”. Công nghệ này được gọi là Duratech, một qui trình tráng phủ bề mặt đa lớp được sở hữu bởi công ty đồng hồ Citizen lừng danh của Nhật Bản.


Viewfinder hoàn toàn mới

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Fujifilm đã tập trung phát triển một viewfinder lai quang/điện tử hoàn toàn mới trên X-Pro3, kính ngắm này vẫn có chế độ điện tử hoàn toàn, chế độ quang học với lớp phủ điện tử và chế độ “rangefinder kỹ thuật số” sẽ hiển thị phiên bản phóng to của vùng AF lên một góc của viewfinder quang học.


Phiên bản viewfinder mới, không những có kích thước lớn hơn phiên bản cũ có trên X-Pro1 và X-Pro2 mà còn được cấu thành từ tấm nền OLED thay vì LCD. Ống ngắm mới có tỷ lệ tương phản 1:5000, cao hơn rất nhiều so với phiên bản trên X-Pro2 là 1:300, khác biệt thật sự trở nên rõ ràng khi bạn chọn chế độ “rangefinder kĩ thuật số”.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Không may, những cải tiến này trong EVF dường như xuất phát từ chi phí gia công chiếc “kính lúp” được đặt trong OVF của mẫu sản phẩm tiền nhiệm X-Pro2. Do đó, thay vì có độ phóng đại lần lượt là 0.36x và 0.60x, trên X-Pro3 tỷ lệ được cố định ở 0.52x.


Điều này có nghĩa là người dùng sẽ gần như không thể bố cục hình ảnh khi sử dụng một ống kính góc rộng. Khi sử dụng ống kính với tiêu cự 23mm, OVF sẽ không thể đóng khung hình ảnh để bố cục, rất may điều này không xảy ra trong hầu hết các điều kiện làm việc thực tế. Và trong chiều hướng ngược lại, tại mọi tiêu cự từ 56mm (tương đương với 85mm) trở lên thì việc bố cục cũng trở nên rất khó khăn(có thể người dùng dòng máy rangefinder Leica-M sẽ không đồng ý với điều này).


Các thông số về video

Khả năng quay video với độ phân giải 1080p trên mẫu X-Pro2 đã được xem như một bước tiến lớn đối với Fujifilm cho đến khi X-T2 ra mắt với nâng cấp độ phân giải lên đến 4K. Mặc dù chia sẻ phần lớn thông số phần cứng với X-T3, X-Pro3 có thông số video khiêm tốn hơn so với người anh em của mình.


Thiết bị này có thể quay 4K ở cả độ phân giải UHD và DCI, đông thời cũng có thể quay video ở độ phân giải 1080p/120fps. Tuy nhiên không có được tốc độ chụp 400Mbps và định dạng màu 10-bit của X-T3. Một lần nữa, nếu bạn thấy mình suy nghĩ “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những cắt giảm này”, thì đó là một dấu hiệu cho thấy Fujifilm đã thực hiện việc phân loại tập người dùng rất tốt giữa hai mẫu máy này.

Những tuỳ chọn xử lý hình ảnh JPEG mới

Sự bổ sung rõ ràng nhất là chế độ mô phỏng phim “Classic Color Neg”, bộ lọc này có độ tương phản cao vừa phải, độ bão hòa trung bình với một chút thay đổi màu sắc. Fujifilm đã không chỉ rõ màu phim nào mà chế độ này đang mô phỏng. Như các màu phim mô phỏng khác, bộ lọc này rất đáng thử (bạn có thể sử dụng nó trực tiếp khi chụp, hoặc xử lý lại sau đó) để cho ra một tấm ảnh ưng ý, ngay trên X-Pro3.


Ngoài ra còn có tùy chọn “Color Chrome FX Blue”, bộ lọc này làm tối đi một chút tone màu xanh dương, tạo nên một bức ảnh “no màu” hơn. Giống như hiệu ứng “Color Chrome Effect” tiêu chuẩn, bộ lọc này có thể được sử dụng ngay khi đang chụp mà không làm chậm máy hoặc cũng có thể được sử dụng trong bước hậu kì.


“Grain Effect” trên X-Pro3 nay đã có thể điều chỉnh kích thước lớn/nhỏ của hạt nhiễu thay vì chỉ mức cường độ mạnh/yếu như trước đây.


Hình ảnh dưới đây sử dụng bộ lọc Acros Film (bộ lọc màu xanh lá), tuỳ chỉnh “Grain Effect” cho hạt nhiễu lớn và mịn, tông ảnh lạnh. ToneCurve có thông số Shadows +4.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

X-Pro3, Fujinon 56mm F/1.2 | ISO 320 | F/2 | 1/60s


Một thay đổi khác trong chế độ mô phỏng màu phim là khả năng chọn tông màu cho hình ảnh đơn sắc. Tông màu (ở đây không chỉ độ bão hoà màu) có thể được tinh chỉnh gần giống như cách chúng ta làm với cân bằng trắng (white balance) thông qua các thông số Warm/Cool và Magneta/Green.


X-Pro3 còn cho phép bạn điều chỉnh nhiệt độ màu của ảnh bằng 10 mức độ Kelvin thay vì điều chỉnh giá trị từ 50-900 như các mẫu máy trước đây.


Cuối cùng, việc điều chỉnh Highlight và Shadow của ảnh đã được tích hợp vào mục Tone Curve, điều này cho phép người dùng quan sát trực quan nhất về sự biến đổi của đường “Tone Curve” khi điều chỉnh hai thông số trên.


Một số tính năng mới khác


Focus Limiter

Trong cài đặt AF/MF của X-Pro3, giờ đây người dùng có thể xác định khoảng lấy nét mà mình mong muốn, giúp tăng tốc độ lấy nét và tránh được trường hợp máy ảnh sẽ lấy nét vào những vật thể không nằm trong vùng “giới hạn” này. Tính năng này cực kì hữu dụng đối với nhiếp ảnh đường phố và cũng làm cho những nhiếp ảnh gia chân dung có thể bố cục bức ảnh một cách gọn gàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tính năng này lại được chúng ta mong đợi hơn trên dòng máy X-T, vì việc giới hạn vùng lấy nét sẽ phát huy rất tốt tác dụng của mình khi chụp ảnh thể thao.


Focus Bracketing

Focus Bracketing là một tính năng không mới trên X-Pro3, nhưng khả năng chọn khoảng lấy nét lại là một tính năng hoàn toàn mới. Người dùng có thể chỉ định độ trễ giữa hai shot chụp và sau đó lấy nét thủ công để xác định điểm bắt đầu và kết thúc của chuỗi chụp. Máy ảnh sẽ tính toán cần phải chụp bao nhiêu ảnh giữa hai điểm này, tuỳ vào ống kính đang sử dụng và giá trị khẩu độ được chọn.


So sánh với các mẫu máy khác

Rất khó để tìm ra một mẫu máy có thể so sánh được với X-Pro3, chưa có một sản phẩm nào trên thị trường được trang bị một viewfinder lai độc đáo như thiết bị này đang sở hữu. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng Leica-M lại là một cái gì đó rất khác, một phần vì hầu hết chúng đều được trang bị cảm biến full-frame và những chiếc máy ảnh đến từ Leica này, chúng thật sự là những chiếc rangefinder đúng nghĩa, đồng nghĩa với việc, trải nghiệm sử dụng sẽ khác xa X-Pro3.


Sản phẩm duy nhất có thể đem ra cân đo với X-Pro3 lại chính là người anh em cùng nhà là X-T3, không phải vì chúng chia sẻ với nhau hầu như tất cả các trang bị phần cứng, kể cả ngàm gắn ống kính. Điểm khác biệt gây tranh cãi, hầu như đến từ yếu tố chủ quan.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

X-Pro3 hiện có một vài tính năng xử lý bổ sung, nhưng những tính năng này có thể sẽ có mặt trên X-T3 thông qua các bản cập nhật phần mềm trong tương lai, do đó, sự khác biệt chính thuộc về phần kính ngắm và màn hình. Và điều này đem đến những trải nghiệm tương đối khác biệt giữa hai mẫu máy này. Với X-T3 người dùng có thể lựa chọn giữa việc chụp ảnh thông qua màn hình chính hoặc thông qua EVF. Còn ở X-Pro3 bạn buộc phải sử dụng viewfinder, hoặc khi cần chụp ở ngang thắt lưng, lúc này màn hình chính mới phát huy tác dụng của nó.


Những “hạn chế” nêu trên, đòi hỏi bạn phải xem X-Pro3 như một chiếc máy ảnh phim truyền thống, điều mà có vẻ vô nghĩa đối với một nhóm người dùng. Tuy nhiên lại là điểm hấp dẫn và tạo cảm hứng đối với những người khác. Những điểm này, hơn tất cả, chính là điểm khác biệt giữa X-Pro3 và phần còn lại của thế giới máy ảnh.


Phần 2: Thân máy và khả năng điều khiển


Tổng quan

– Hai tấm plate ở đỉnh và đáy máy nay đã được gia công bằng vật liệu titanium, ở phiên bản tiêu chuẩn nhìn khá giống X-Pro2.

– Các nút bấm trên X-Pro3 tương tự như phiên bản tiền nhiệm nhưng bộ bốn phím điều hướng đã bị loại bỏ, giúp cho việc điều khiển máy dễ dàng hơn khi ngắm chụp thông qua viewfinder.

– Điểm AF có thể điều chỉnh trong khoảng lấy nét, tuy nhiên điểm lấy nét ở vô cực đã bị lược bỏ.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Thoạt nhìn, phần màn hình phía sau của X-Pro3 là điểm duy nhất phân biệt nó với các phiên bản tiền nhiệm. Bố trí các núm xoay thao tác gần như y hệt, duy chỉ có vật liệu gia công là được nâng cấp.


Hãy để ý mặt sau, những điểm khác biệt hầu hết tập trung ở đây. Bộ bốn phím điều hướng và nút “view mode” nằm bên phải viewfinder trên X-Pro2 đã bị lược bỏ. Màn hình chính trên X-Pro3 là màn hình cảm ứng, tuy nhiên nó hầu như rất ít được sử dụng.


Vì vậy, mặc dù hai máy ảnh trông khá giống nhau, X-Pro3 mang lại một trải nghiệm chụp ảnh khác biệt khá nhiều.


Nút Joystick

Tương tự như trên người tiền nhiệm, X-Pro3 cũng sở hữu một joystick ở mặt sau của máy. Nút này chủ yếu được sử dụng để cài đặt điểm AF, nhưng vì nó ở vị trí hoàn hảo khi máy ảnh đặt lên mắt bạn, đây có lẽ sẽ là công cụ chính giúp bạn điều hướng trong phần menu của thiết bị. Nó cũng được sử dụng như một biện pháp thay thế bộ 4 nút điều hướng đã bị lược bỏ từ X-Pro2. Nút “view mode” ngay bên cạnh ống ngắm nay cũng đã biến mất, điều này đồng nghĩa với việc bạn phải cho X-Pro3 biết, bạn sẽ chụp ở chế độ nào? Thông quay viewfinder hay màn hình LCD?


Bánh xe điều chỉnh ISO/Tốc độ màn trập

Giống như trên X-Pro2, núm xoay tích hợp để điều chính ISO và tốc độ màn trập vẫn được giữ lại. Và người dùng vẫn phải nhấc vòng ngoài của bánh xe lên và xoay để có thể điều chỉnh ISO.


Cơ chế này khá khó để thao tác, đặc biệt là khi chụp ảnh thông qua viewfinder, nhưng chi tiết này góp phần vào trải nghiệm chụp ảnh rất “retro” của thiết bị.


Sửa đổi hiển thị điểm AF

Đây là tính năng phải mất thời gian để làm quen dần, nếu bạn đã chụp bằng máy ảnh X100 hoặc X-Pro trước đây, thì nó khá là quen thuộc.


Độ lệch giữa vị trí của viewfinder và ống kính làm điểm AF (và cả khung ảnh của bạn) bị dịch chuyển bên trong viewfinder, tuỳ thuộc vào khoảng lấy nét. Trong phần menu của máy đã có sẵn tuỳ chọn [Cài đặt AF/MF | Điều chỉnh khung AF], sẽ thêm vào một chỉ dẫn cho biết điểm lấy nét đã bị dịch chuyển tối đa bao nhiêu.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Trên các mẫu máy trước đó, thiết bị sẽ hiển thị vị trí lấy nét ở vô cực và điểm lấy nét cận, cùng với đó là điểm lấy nét hiện tại. Còn trên X-Pro3, máy chỉ hiển thị điểm lấy nét hiện tại và sẽ chỉ hiển thị điểm lấy nét cận nếu bạn bật nó lên.


Điều này làm chúng ta rất khó có thể xác định được điểm lấy nét đang ở đâu? Không có cách nào để biết được sự tương quan giữa điểm lấy nét hiện tại đến điểm vô cực, vì vậy nếu bạn focus từ một chủ thể ở gần tới một thứ gì đó ở xa hơn, không có cách nào để dự đoán khung AF sẽ nhảy đi đâu.


Chúng ta sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để chụp với X-Pro3 để đánh giá toàn bộ tác động của nó, nhưng đối với những người dùng mẫu X100, nó khiến quá trình lấy nét trở nên phức tạp hơn rất nhiều.


Menu

Các menu của X-Pro3 được bố trí khá hợp lý, nhưng có rất nhiều tùy chọn trong phần Thiết lập, người dùng có thể cần phải duyệt qua một vài lần để có thể làm quen.

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Menu gần như giống với các mẫu máy Fujifilm trước đó. Có sáu biểu tượng ở phía bên trái màn hình (bảy nếu bạn thiết lập tab tuỳ chỉnh “Menu của tôi”). Điều này làm cho việc tìm đến phần cài đặt cần thiết trở nên dễ dàng hơn. Tab “Set up” có hơi phức tạp, với mỗi trong số bảy tùy chọn thực sự là một tiêu đề đại diện cho một số trang cài đặt cụ thể, nhưng tất cả chúng đều khá dễ hiểu và bạn sẽ hiếm khi cần thay đổi chúng.


6 nút bấm và thao tác vuốt 4 hướng trên màn hình chính có thể được tuỳ chỉnh để truy cập vào các mục cài đặt khác nhau [giữ nút DISP/BACK để truy cập vào mục cài đặt nút bấm]. Thanh gạt ở ngay phía trước giúp bạn chuyển nhanh giữa hai chế độ của viewfinder, và bánh xe điều chỉnh thông số ở mặt sau ngay vị trí ngón cái cũng khá dễ thao tác khi chụp ảnh thông qua viewfinder.


Tuy nhiên, nếu những núm xoay chyên dụng và ba nút easy-access là chưa đủ, thì nút menu Q sẽ cho bạn lên đến 16 tuỳ chỉnh nữa. Nút này có thể được điều hướng bằng ba các: sử dụng joystick, bánh xe điều chỉnh và màn hình cảm ứng chính.


Nút này có thể được điều chỉnh số lượng cài đặt bạn muốn từ 16, 12, 8 hoặc 4. Bạn cũng có thể tuỳ chỉnh phần cài đặt này hiển thị “overlay” bên trên hình ảnh live view.


Truy cập vào mục quay phim, đặt khung và chế độ multi-shot HDR bằng cách nhấn nút Drive và chọn đến mục mà bạn muốn sử dụng.


ISO tự động

Chế độ ISO tự động trên X-Pro3 thể hiện khá tốt, nhưng không thể hiện được sự linh hoạt như mong đợi. Người dùng có thể cài đặt trước 3 bộ preset, trong đó xác định trước khoảng ISO mình muốn sử dụng và ngưỡng tốc độ màn trập mà tại đó ISO được phép tăng để tránh gây out nét vì tốc quá thấp. Ngưỡng này có thể được cài đặt với thông số xác định (ví dụ là 1/80s) hoặc cho phép thiết bị tự động điều chỉnh giá trị này, tuỳ theo dải tiêu cự của ống kính đang sử dụng.


ISO tự động vẫn có thể sử dụng được ở chế độ M để duy trì độ sáng tối thiểu mà người dùng mong muốn.

Pin

X-Pro3 sử dụng cùng pin NP-W126S giống như mẫu X-Pro2 và các thiết bị Fujifilm gần đây. Viên pin 8.7Wh cho mẫu máy này có khả năng chụp lên đến 440 tấm mỗi lần sạc khi sử dụng kính ngắm OVF và con số này là 370 khi người dùng chụp với ống ngắm điện tử.


Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3


Như thường lệ, với xếp hạng của CIPA, người dùng còn có thể chụp được nhiều ảnh hơn, tuỳ thuộc vào cách chụp (số lượng ảnh lên đến gấp đôi là điều hết sức bình thường). Với hơn 400 tấm lần sạc, X-Pro3 cho một thời lượng khá dư dả và với khả năng sạc trực tiếp qua cổng USB-C, thời lượng này còn có thể kéo dài hơn nữa.

Một số hình ảnh được chụp từ X-Pro3:

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Đánh giá nhanh Fujifilm X-Pro3

Trên đây là những review nhanh về mẫu máy mới nhất đến từ Fujifilm, bạn có quan tâm đến chiếc máy ảnh cực kỳ thú vị này không? Hãy cho WinWin Store biết tại phần comment bên dưới. Cũng đừng quên quay lại hàng ngày để cập nhật những tin tức công nghệ mới nhất nhé.

Nguồn: Dpreview

Tin liên quan