Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

WinWinTeam



Drone hay còn gọi là Flycam là thiết bị dùng để quay, chụp ảnh từ trên cao, đã và đang được ứng dụng khá nhiều trong thời điểm hiện tại. Vậy loại hình nhiếp ảnh này có ưu nhược điểm thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của DPreview được WinWin Store lược dịch nhé.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)


Cho đến nay, tôi đã dành hầu hết là những lời khen dành cho drone. Chúng thật sự là những thiết bị giá rẻ và có tính ứng dụng cao. Bạn có thể dùng nó bay đi bất cứ đâu, có thể tự do sắp xếp bố cục và cho ra những tác phẩm độc nhất. Một chiếc drone có thể bay treo ổn định tại một địa điểm để thực hiện phơi sáng hoặc đợi khoảnh khắc thích hợp. Nó có thể hoạt động ở những nơi mà con người không thể: xuyên qua màn khí độc hay dung nham nóng chảy từ một miệng núi lửa. Và không chỉ thế, Drone còn làm được nhiều thứ vui vẻ khác.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

DJI Phantom 4 Pro, 1/15 sec, F6.3, ISO 400.

Nhưng cái gì thì cũng có những giới hạn và bất lợi của mình và những thiết bị drone không hề là ngoại lệ. Và đó sẽ là chủ đề của bài viết hôm nay. Biết được những giới hạn này rất quan trọng trong việc lựa chọn thời điểm, khi nào nên và khi nào không nên sử dụng drone. Hiểu được những giới hạn cũng giúp bạn có thể lên kế hoạch khi đi chụp ở những địa điểm mới và cũng hiểu được, những chiếc drone, không phải là những thiết bị ma thuật mà bạn vẫn tưởng tượng. Hãy bắt đầu với giới hạn dễ thấy nhất.

Phụ thuộc nhiều vào dung lượng pin

Tất cả các thiết bị drone hiện tại đều chạy bằng pin Lithium Polymer (LiPo) hoặc pin cao áp Lithium Polymer (LiHV). Những loại pin này nhỏ gọn và có thời lượng sử dụng khá dài, tuy nhiên, các loại drone hiện nay chỉ có thể bay với thời gian dài nhất là nửa giờ đồng hồ. Thời gian hoạt động còn có thể ngắn hơn nữa nếu thiết bị này được sử dụng một cách “triệt để” (thay đổi hướng, tăng tốc, giảm tốc thường xuyên), bay ở chế độ thể thao hay bị tác động bởi gió ngược.



Nửa giờ có thể là thời gian dư dả ở một số trường hợp, nhưng không phải là tất cả. Tôi đã từng bỏ lỡ một shot hình rất tuyệt chỉ vì chiếc drone của mình không thể chống chọi với những cơn gió và pin của nó cũng đã cạn sạch. Khi địa điểm chụp cách quá xa nơi cất cánh, hành trình đi và về đã có thể ăn mất của bạn 50% pin và chỉ còn mười phút để chụp mà thôi. Không ai muốn quay về tay trắng cả, đúng chứ?

Nắng chiều trên những vách đá hùng vĩ tại Suðuroy, tôi bay chiếc drone của mình trong điều kiện gió khá mạnh để đến được Faroe, kết quả là, pin tụt quá nhanh và tôi chỉ có 10 đến 15 phút để chụp.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

DJI Mavic II Pro, 1/80 sec, F5.6, ISO 200. Suðuroy, đảo Faroe.

Điều này không những phụ thuộc vào dung lượng của mỗi viên pin mà còn còn nằm ở việc bạn có hoặc có thể mang theo bao nhiêu viên pin trong suốt hành trình? Trong trường hợp người dùng không thể sạc lại pin (giả sử là đi cắm trại), gần như không còn lựa chọn nào khác nếu như tất cả pin đều đã cạn sạch. Mỗi viên pin đều có một trọng lượng xác định, ví dụ pin của Phantom nặng 450g mỗi viên; nhỏ hơn một chút là pin của Mavic, tuy nhiên trọng lượng cũng lên đến 300g. Và tưởng tượng chuyến hành trình của bạn phải mang theo chiếc drone, một vài viên pin, một chiếc máy ảnh (vâng tất nhiên vẫn cần một chiếc máy ảnh) và lều bạt. Trên vai bạn giờ đang mang một khối lượng đáng kể rồi đấy.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)


Tôi mang theo 3 viên pin dành cho chiếc Phantom của mình, đi bộ 8km để chụp lại những dòng dung nham nóng chảy tại khu núi lửa Kilauea Volcano. Chỉ ba viên pin thôi đã nặng 1.5kg, chưa tính cân nặng của chiếc Phantom, bộ DSLR, tripod và 2 lít nước. Mặc dù đã có những tác phẩm đáng giá nhưng đi bộ với từng ấy đồ đạc là một trải nghiệm không mấy vui vẻ. Mặc dù vậy, nếu có thể, tôi đã mang theo thêm 2 viên pin nữa và sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn vì những dịp hiếm hoi như thế này.

Tầm hoạt động hạn chế

Drone không chỉ bị giới hạn về thời gian hoạt động mà còn cả vấn đề về tầm hoạt động. Yếu tố này không chỉ bị giới hạn bởi thời lượng pin, mà còn bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố, đó là: kết nối giữa drone và bộ điều khiển; kèm theo đó là các vấn đề liên quan đến luật pháp.



Khi chụp vụ núi lửa Holuhraun phun trào vào năm 2014, tôi phải ngồi trên trực thăng hơn một giờ đồng hồ để đợi cảnh mặt trời lặn tuyệt mĩ này và một chiếc drone sẽ không đủ khả năng để thực hiện một chuyến bay dài hơi như vậy.



Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

Canon 5D Mark II, Tamron 24-70mm F2.8 VC, 1/200 sec, f/4, ISO 1600.



Chất lượng kết nối giữa những drone hiện nay với bộ điều khiển của chúng là khá tốt khi bay với khoảng cách vừa phải. Và bạn bay xa thêm một chút, kết nối sẽ ngay lập tức có vấn đề. Nếu bạn đã từng chơi drone thì ắt bạn sẽ hiểu cảm giác hoảng loạn khi màn hình điều khiển bỗng dưng đầy “hạt é” và ứng dụng thông báo với bạn tin buồn rằng: Thiết bị đã mất kết nối. Mặc dù drone của bạn sẽ tự bay về điểm xuất phát và 99.9% sẽ tìm cách kết nối lại với bộ điều khiển, nhưng điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu trong quá khứ, chiếc drone yêu quí của bạn đã ra đi mãi mãi, hẳn bạn sẽ rất sợ cảm giác ấy.

Kết nối có thể bị gián đoạn không phải chỉ khi bạn bay đi quá xa mà còn có thể xảy ra khi có sự xuất hiện của vật cản ngăn giữa drone và bộ điều khiển, điều này có thể làm máy bay không được điều hướng một cách chính xác cho đến khi có lại kết nối. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn hay bão tuyết cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kết nối, rất may điều này rất ít khi xảy ra.

Drone của tôi bị mất kết nối khi đỉnh của tảng băng trôi chắn giữa nó và con thuyền trong ảnh, rất may sau đó máy bay đã tự động kết nối lại.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

DJI Mavic II Pro, 1/30 sec, f/5.6, ISO 200. VỊnh Disko, Greenland.

Trong mọi trường hợp, các drone hiện nay đều có cách quay về sau khi mất kết nối với bộ điều khiển thông qua hệ thống GPS và nhiều cảm biến tránh va chạm, tôi đã từng nghe về những câu chuyện về những chiếc drone “trở về nhà” sau khi đi lạc rất lâu và chủ nhân thì đã buông bỏ hi vọng, nhưng đó sẽ là câu chuyện của một bài viết khác.

Qui định pháp luật tại hầu hết các nước trên thế giới đều qui định drone là những thiết bị bay trong-tầm-nhìn. Điều này gây khá nhiều tranh cãi, nhưng một cách giải thích chặt chẽ hơn cho qui định này là drone phải được quan sát thấy rõ ràng bởi người điều khiển, điều này đồng nghĩa với việc có thể tầm hoạt động có thể bị thu hẹp hơn nữa.



Trần bay giới hạn

Một hạn chế khác của drone là trần bay khá khiêm tốn. Một lần nữa, hạn chế này đến từ các nhân tố như: kĩ thuật, pháp lý, … Về mặt kĩ thuật, nhà sản xuất sẽ giới hạn trần bay của những thiết bị drone, điển hình với DJI, giới hạn này là 500m từ điểm cất cánh. Trần bay có thể được điều chỉnh bằng cách hack vào phần mềm của drone, tuy nhiên cách này rất hên xui và không được khuyến khích.

Về mặt pháp lý, trần bay của drone còn bị giới hạn nhiều hơn, 100m, 120m, 150m tuỳ quốc gia. Nhưng hầu hết các nước trên thế giới đều không cho phép bay cao quá 120m. Những hạn chế này về trần bay ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sáng tác. Ngoài lề một chút, những máy bay cỡ nhỏ được cho phép bay ở độ cao từ 2-3km trước khi chạm đến vùng dành cho các máy bay thương mại.

Những đụn cát tại sa mạc Namib có thể cao đến 300m, tôi phải sử dụng máy bay trực thăng để chụp bức ảnh này với độ cao 1km.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

Canon 5D Mark III, Tamron 24-70 f/2.8 VC, 1/1250 sec, F10, ISO 800. Sossusvlei, Namibia.

Tốc độ hành trình thấp

Cuối cùng, những chiếc drone bị hạn chế về tốc độ bay, đây không phải là một vấn đề gì quá lớn, nhưng đôi lúc đây cũng là một trở ngại đối với việc chụp ảnh. Chụp ảnh trên không thường phải bao quát một vùng rất rộng, và khi ánh sáng đang hậu thuẫn bạn, đến địa điểm tập kết càng nhanh càng tốt sẽ là ưu tiên hàng đầu. Một chiếc DJI Mavic có thể bay với tốc độ tối đa 72km/h, đó là chế độ thể thao, pin của bạn sẽ nhanh chóng cạn kiệt và tệ hơn nữa là làm cho gimbal của máy bay bất ổn, không thể kiểm soát theo ý muốn.



Sau khi DJI phải giảm tốc độ tối đa của các thiết bị vì một số lí do về cân bằng, chiếc drone nhanh hơn, đắt hơn của DJI là Inspire 2 chỉ đạt vận tốc tối đa là 94km/h. So sánh với 244km/h của trực thăng Robinson 44 hay hơn 300km/h của máy bay, bất lợi này khá là rõ ràng.



Sau khi những tia nắng này xuyên qua đỉnh núi, tôi hấp tấp bảo với phi công: “Bay thôi anh ơi”. Chiếc phi cơ nổ máy, viên phi công yêu cầu tôi kéo kín cửa sổ để máy bay có thể đạt tốc độ 300km/h nhanh nhất có thể và chúng tôi đến nơi sau đó chưa đến 1 phút, tôi kéo cửa sổ xuống, bấm máy, kết quả là tấm hình tuyệt diều này, điều mà một chiếc drone không thể nào làm được trong điều kiện tương tự.


Nhiếp ảnh phong cảnh với drone: Giới hạn và bất lợi (Phần 1)

Canon 5D Mark III, Tamron 24-70mm F2.8 VC, 1/2000 sec, f/4, ISO 800.

Đảo Lofoten, Biển Bắc Nauy.

Tóm lại, một chiếc máy bay drone bị hạn chế khá nhiều về vấn đề pin, khả năng mang vác và sạc chúng. Chúng còn có giới hạn về tầm bay, tốc độ, trần bay nếu so với các loại máy bay có người điều khiển. Tuy vậy những vấn đề này không làm một chiếc drone mất đi sự tuyệt vời vốn có của chúng.

Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục nói về các điểm bất lợi của những thiết bị bay không người lái này.

Nếu bạn thấy những thông tin này hay và hữu ích, đừng quên truy cập vào winwinstore.vn mỗi ngày, để cập nhật những tin tức mới nhất về thế giới công nghệ nhé.

Theo: Erez Marom/DpReview

Tin liên quan